*****
Thân mến gửi BếnXuân,
Rất cảm động khi đọc được thư chia sẻ và góp ý chân tình của Bến Xuân vì vấn đề chung của đất nước. Ngưòi ta đi qua sa mạc mới biết quí từng giọt nước và nuối tiếc từng giọt mồ hôi phải không? Cũng như vậy, lá thư và góp ý chân thẳng của Bến Xuân từ Việt Nam gửi đến là một trong những giọt nưóc nơi sa mạc này. Vì vậy ANH xin phép Bến Xuân đưọc gửi đến quí anh chị em, đồng bào khắp nơi không những bài viết góp ý , mà cả lá thư ngắn nhưng chân tình của một đồng bào trẻ với nỗi ưu lo trăn trở cho đất nước.
ANH mong rằng Chúng mình gói ghém những tâm tình chung này để ân cần gửi cho nhau như những làn thuốc xoa vào nhũng vết thương còn loang lở của dân tộc, của chính chúng ta, trên cơ thể và trong tâm hồn chúng mình, Chứ không phải là những dằn vặt chì chiết nhau. Chúng mình cần nhau vì chúng mình là đồng bào của nhau. Ân nghĩa tổ tiên chan hòa khắp hết chứ có ngưng đọng ở thế hệ nào, biên giới nào đâu.Như vậy, nỗi đau dân tộc vẫn là một phải không?
Cảm tạ Bến Xuân thật nhiều... xin kính gửi lời chào kính mến nhất đến song thân của BenXuan. Nếu dịp gặp gỡ bạn bè thân quen, xin cho ANH gửi lời chào thân ái nhất đến mọi ngưòi. Khi có điều kiện xin Ben Xuan và cac bạn trẻ hãy viết xuống những cảm xúc, những điều mình mắt thấy tai nghe đang xảy ra nơí đất nưóc Viêt khốn khó, trên thân xác đồng bào bất hạnh, để chia sẻ và cảnh tỉnh đồng bào mình khắp nơi.
Thân ái
Nguyên-Kha? PhamThanhChuong..
----- Original Message -----
From: BenXuan
Sent: Thursday, March 06, 2003 8:44 PM
Subject: Thân gửi ANH Chưong
Anh Chương thân mến,
Chuyện người mình vẫn phải tranh luận với nhau về vấn đề này thật đáng buồn quá. Anh biết không, một lần vào chat room em lấy nick là "Chống Mỹ" để xem sao thì chỉ một lúc thôi là đã có người mình ở Mỹ vào chửi em rồi. Anh thấy đấy, sống ở một nước dân chủ nhưng vẫn đặc sệt sự hẹp hòi.Thấy thế mới biết não trạng này không thể một sớm mà mất được.
Đấu tranh của chúng ta bây giờ không chỉ là chống độc tài mà còn là thay đổi nhận thức nữa. Xoá bỏ CS là mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu chính quan trọng hơn là xây dựng một tinh thần "Duy Việt", một sự tự tin dân tộc để có một nền tảng phát triển lâu dài và bền vững cho đất nước và các thế hệ sau.
Nhiều lúc em có cảm giác các tổ chức "quốc gia" chỉ muốn đập đổ CS cho hả giận để trả thù cho những gì họ mất mát chứ chẳng quan tâm đến những gì sau đó. Dù vậy em vẫn hy vọng rằng kết quả đấu tranh chung sẽ tốt hơn thôi, vì bây giờ không còn tình trạng bưng bít nữa và mọi người sẽ có cơ hội cọ xát nhiều với nhau.
Em có viết một số ý kiến gởi anh, hy vọng cũng nói lên được một điều gì đó có ích. Vài dòng tâm sự với anh. Anh cũng nên cẩn thận trong thời gian tham gia hội luận. Đề phòng cũng không thừa đâu anh ạ. Chúc anh nhiều sức khỏe.
Thân kính,
Bến Xuân
------------------------------ -
Suy nghĩ về lằn ranh "Quốc-Cộng"
Kính gửi các Chú Bác Quốc Gia,
Người viết những dòng này có thể được xem là không liên quan gì đến thời đại của các chú và các bác. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh mà một bên gọi là "công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước" và bên kia là "cuộc chiến chống Cộng Sản để bảo vệ Thế giới Tự do". Tôi chỉ tìm hiểu giai đoạn lịch sử này qua sách báo và những lời kể của thế hệ đi trước ở nhiều góc độ khác nhau của cả hai phía. Không sống và tận mắt chứng kiến những sự kiện nên có lẽ tôi không hiểu hết được những cảm xúc của những người trong cuộc. Nhưng tôi vẫn tự tin rằng mình vẫn có thể và phải nói lên quan điểm của riêng mình và biết đâu cũng là của thế hệ trẻ hiện nay, những người không biết nhiều về cuộc chiến này. Với tôi đây là một cuộc chiến vô cùng tàn khốc mà hậu quả để lại là những mất mát, đau thương về thể xác và tinh thần cực kỳ to lớn. Hàng triệu người Việt Nam đã chết, hàng triệu người bị thương tật và cũng chừng ấy người tuy thân thể lành lặn nhưng vẫn phải chịu những vết thương tinh thần khó hàn gắn nổi. Đó là chưa kể đến những di hại về mặt di truyền mà những đứa bé vô tội ra đời sau đó phải gánh chịu cho đến khi trưởng thành.
Theo thời gian chiến tranh đã qua gần 30 năm rồi nhưng hình như nó vẫn còn đó. Vẫn còn những thù hằn, vẫn còn những luyến tiếc (!) và thật đau lòng, nó vẫn còn chia rẽ người Việt Nam. Cả hai phía "Quốc-Cộng" đều tự cho mình là chính nghĩa và chứng minh rằng "chúng nó" là độc tài, chúng nó tay sai ngoại bang, chúng nó thiếu dân chủ, chúng nó dân chủ giả hiệu.
Riêng tôi vấn đề không phải là phe nào chính nghĩa và phe nào phi nghĩa vì cả hai đều phi nghĩa. Tôi nói điều này không phải là phủ nhận và sổ toẹt công sức những người đã ngă xuống của cả hai phía, đã hy sinh máu xương và một phần cuộc đời mình trong giai đoạn máu lửa ấy. Trái lại là đằng khác. Tôi chỉ muốn nhắc đến một thiểu số người đã lợi dụng máu xương đồng bào mình để làm những việc phi nghĩa cho bản thân và phe phái họ. Tại sao phi nghĩa? Vì họ không đại diện cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam và người dân Việt Nam.
Về phía Cộng Sản Việt Nam tôi không cần phải bàn về tính chất phản động của tập đoàn này. Nhiều người có thẩm quyền hơn đã làm chuyện ấy và trong tương lai những người có trách nhiệm sẽ tiếp tục công việc này. Tuy nhiên tôi xin có đôi lời với các chú, các bác của phía bên kia.
Tôi có được nghe kể về những nỗi đau mà các chú bác phải chịu trong thời gian học tập cải tạo khi bị đàn áp, hành hạ và tước đoạt nhân phẩm như thế nào. Cả con cháu của chú bác cũng phải gánh chịu những đối xử man rợ qua các chính sách phân biệt đối xử trong học hành, công việc và những sinh hoạt thông thường hàng ngày. Chưa hết, các chú bác vẫn còn phải chịu đau khổ trong những lần vượt biển, trong thời gian sống ở các trại tỵ nạn. Những nỗi đau này chỉ có những người trong cuộc mới biết mà những người "ngoài" như tôi khó có thể hiểu hết được.
Nhưng các chú các bác cũng phải biết rằng đồng bào của chúng ta ở miền Bắc cũng phải chịu rất nhiều đắng cay và mất mát chứ. Liệu con cháu chúng ta sau có tin rằng: Trước đây, cha anh chúng ngoài ấy phải xếp hàng ăn phở để rồi sau đó đứng và ngồi ăn với chiếc muỗng bị đục thủng. Nhà có khách quý đến chơi chỉ có ½ con gà mà không dám dùng dao chặt mà phải dùng kéo cắt. Phần xương còn lại phải tìm chỗ mà chôn.
Hay cả gia đình 6 người chỉ có 12m vuông để sinh sống. Cơi nới đủ phía để có chỗ mà ngủ, mà nằm. Con cái đến tuổi lập gia đình không thể ra riêng được, phải ở chung. Vợ chồng muốn có giây phút riêng tư thì ông bà, anh em phải hiểu ý ra đường lúc 7g tối để họ có thể bên nhau và đến 9g phải chấm dứt để mọi người về nhà.
Hay phải giải quyết nhu cầu vệ sinh tối thiểu mỗi buổi sáng với một cái nón lá trong một nhà xí không có cửa, bẩn thỉu, đầy giòi bọ... Và còn rất nhiều chuyện khác nữa. Nhân cách bị coi rẻ đến cùng cực.
Ấy thế mà chúng ta nghe những câu chuyện này có cảm xúc gì không hay xem như những chuyện phiếm để thỏa măn tính hiếu kỳ. Tôi kể dài dòng chỉ để cho các chú, các bác thấy đau khổ trong giai đoạn ấy đâu của riêng ai. Nó là của tất cả chúng ta và chúng ta phải thấy được nguyên nhân là từ đâu. Nói thật với các chú, các bác cùng là dân Việt nhưng một số lớn những người Việt ở hải ngoại hình như vẫn nhìn người trong nước với một cặp mắt thiếu thông cảm và hiểu biết. Vẫn có lẩn khuất đâu đó một thái độ kẻ cả, hành xử như thực dân da trắng đi khai hóa vậy.
Thái độ như thế sẽ rất nguy hại vì chỉ khơi sâu hơn sự chia rẽ và mặc cảm của cả hai phía, nhất là đối với đồng bào Miền Bắc luôn bị ngộ nhận là Cộng Sản. Tại sao không là sự thông cảm và hiểu biết để có thể chia sẻ và đoàn kết cho sự nghiệp đấu tranh chung? Tất cả các thành quả có được trong Nam ngoài Bắc trong bất cứ giai đoạn nào là do chúng ta đấu tranh có được chứ không nên lầm lẫn là do một chính thể hay tập đoàn cầm quyền nào ban cho. Chúng ta đấu tranh vì nhận thức được rằng đó là quyền lợi của Nhân Dân Việt Nam và quyền lợi của Đất Nước, của Dân Tộc phải được đặt trên hết. Yêu nước không phải là độc quyền của riêng ai và mục đích đấu tranh của Người Việt Nam lúc này là nhận thức đúng chính mình và nhắm đúng mục tiêu tranh đấu: đoàn kết để xóa bỏ độc tài và thiết lập dân chủ cho Việt Nam.
Chế độ phản động tại Việt Nam hiện tại chắc chắn sẽ bị xóa bỏ; và điều quan trọng hơn là chúng ta phải làm thế nào để đừng lập lại việc thay chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác và tạo nên một chế độ xã hội lành mạnh. Đây mới là mục tiêu chính cho Dân Tộc Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam cần phải nhìn thấy và hiểu rõ điều này. Nếu họ cứ bị đầu độc bởi những khái niệm và lý thuyết mơ hồ, thì đó là trách nhiệm của những người đi trước. Thế hệ trước phải sáng suốt và mở rộng tấm lòng để có thể giúp tuổi trẻ Việt Nam hiểu rõ về quá khứ; những gì được, những gì mất để tự tin đi vào tương lai. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được tạo điều kiện để nối tiếp những giá trị và nền tảng của cha anh chứ không thể là những người phải dọn dẹp những đống rác của lịch sử trên đường đi của Dân Tộc.
Sài G òn,
06/03/2003
Bến Xuân