Tuesday, September 9, 2014

Điện Biên Phủ-Tiếng chuông báo tử chủ nghĩa thực dân

Điện Biên Phủ-Tiếng chuông báo tử chủ nghĩa thực dân

*
(để tưởng niệm tất cả các liệt sĩ đã hy sinh tại Điện Biên Phủ)

Tháng Tư năm 1954, thế giới sửng sốt theo dõi trận chiến DBP đã đến thời kỳ quyết liệt, không phải chỉ vì sự hiếu kỳ thu hút của chiến tranh, mà chính là sự thư hùng quyết định một mất một còn giữa thế lực thực dân phương Tây cố quyết hồi sinh và sức mạnh trỗi dậy đòi độc lập của dân tộc Á Châu bị trị,  được kết đọng điển hình trong lòng chảo Điện Biên giữa quân đội viễn chinh Pháp và quân dân Việt Nam. Cứ điểm mà thực dân Pháp xử dụng như một tiền đồn tiến công hầu thọc vào hậu phương của Việt Minh, căn cứ phòng ngự chắn vào ngã tư Lào-Việt và bắt đối thủ phải đánh trận địa chiến đang trở thành mồ chôn của giấc mộng thực dân tại Đông Dương.

Lực lượng ưu tú của đoàn quân nhà nghề viễn chinh Pháp bao gồm Nhảy Dù, binh chủng "mafia" của quân đội Pháp, Lê Dương và các đơn vị đánh thuê da đen và Bắc Phi đã bị bao vây, tiêu diệt lần mòn trong lòng chảo thung lũng Điện Biên. Dù được ưu tiên không yểm tối đa kể cả bởi phi cơ xuất pháp từ hàng không mẫu hạm Pháp Arromanche trong vịnh Bắc Việt và tăng viện bằng cầu không vận từ Hà Nội, sự thất thủ của cứ điểm này, bởi một đạo quân "nông dân da vàng nhược tiểu", chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tình hình nguy ngập đến độ Paris phải cử tướng Tổng Tham Mưu trưởng Paul Ely sang Washington để cầu viện với dự án xin pháo đài bay Mỹ rải bom ban đêm để giải nguy cho cứ điểm Điện Biên trên đà thất thủ. Nhưng Mỹ, với bản chất cố hữu của chính trị bang giao quốc tế- quyền lợi quốc gia tối thượng- với những toan tính riêng, đã từ chối can thiệp.

Trận đánh Điện Biên Phủ đã kết thúc chín năm kháng chiến chống Pháp, dứt điểm âm mưu  trở lại thống trị Đông Dương của thực dân Pháp, từng được ngụy tạo dưới cái tên “sứ mạng khai hóa” (mission civilisatrice) kéo dài trong 96 năm đô hộ Việt Nam.

Một số người Việt cho là cuộc chiến Việt Pháp và chiến thắng Điện Biên không cần thiết vì trong thời điểm giải thực sau Thế chiến, Pháp trước sau gì cũng trao trả độc lập cho Việt Nam!!! Họ còn so sánh hoàn cảnh lịch sử Việt Nam và Thái Lan. Đây là một sai lầm nghiêm trọng chứng tỏ sự thiếu hiểu biết và ngây thơ về bang giao quốc tế và địa dư chính trị (geo-politics).

Thái lan, do vị thế địa dư và may mắn, đã được Anh và Pháp dùng làm vùng trái độn, vùng lá chắn giữa khu vực ảnh hưởng tức thuộc địa của hai đế quốc này. Một bên là Mã lai, Miến Điện và bên kia là Đông Dương. Do đó, phần nào, Thái giữ được độc lập vì hai đế quốc này tôn trọng sự phân chia thuộc địa tránh dẫm chân lên nhau. Còn Đông Dương thuộc hoàn toàn quyền sinh sát của Pháp. Do đó, lập tức sau Thế chiến để lấy lại uy thế đế quốc và thuộc địa cũ cùng các tài nguyên phong phú, Pháp đã gửi một đạo quân viễn chinh sang lập lại bộ máy hành chính thực dân vì Đông Dương là một thuộc địa béo bở rất cần cho mẫu quốc đã  kiệt quệ sau 5 năm chiến tranh và bị chiếm đóng bởi Đức Quốc Xã.

Thái độ hung hãn của đám tù binh thực dân Pháp (bị Nhật giam giữ sau khi đảo chánh vào tháng 3 năm 45) ngay sau khi được phóng thích (lập tức xử dụng vũ khí do quân Anh giao, lập lại sự kiểm soát, chận bắt, lùng sục bắn giết người Việt nào dám chống lại..) khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, đã cho thấy Pháp quyết tâm trở lại, củng cố ách thống trị của mình..- vì các hầm mỏ, đồn điền cao su, cà phê, gạo v.v – và nhất là  cuộc sống dễ dãi, phè phỡn trên đầu ngưòi dân thuộc địa…Các đồn điền này, như đồn điền Michelin ở Lộc Ninh hay các đồn điền trên Đà Lạt và Tây Nguyên vẫn còn tồn tại dưới quyền sở hữu của chủ Pháp sau khi miền Nam theo thể chế "cộng hòa", "độc lập" hẳn với Pháp. Vậy một cách đơn giản, người ta cũng hiểu là một nền độc lập trong…"liên hiệp Pháp" cũng chỉ là bù nhìn vì thực chất các nguồn tài nguyên vẫn nằm trong tay người "thực dân Pháp"!!!

Nếu ai thắc mắc, xin cứ xem diễn biến lịch sử Pháp tiếp theo sau với cuộc chiến đẫm máu Al-giê-ri nơi người Pháp quyết “tử thủ” giữ lấy mảnh thuộc địa Bắc Phi này mà họ cho là lãnh thổ hải ngoại Pháp. (territoire outre-mer) rồi tự kết luận lấy!!! Cuộc chiến này kéo dài 7 năm (1955-1962), huy động 440 ngàn quân Pháp, gây khủng hoảng chính trị tại Pháp với một cú đảo chánh bất thành và cuối cùng Pháp phải rút lui sau đó. Vào thời điểm đầu năm 1954, Pháp không dễ gì rút quân vì đã gửi sang Đông Dương 150 ngàn quân để bình định và 80% chiến phí của Pháp tại Đông Dương được tài trợ bởi Mỹ nhân danh cuộc chiến chống Cộng chặn làn sóng đỏ sau khi cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ.

Xét về mặt lịch sử và quân sự, thì đây là một trận chiến đánh dấu một bước ngoặc lớn như trận hải chiến tại eo biển Đối Mã (Tsushima) giữa  Hải quân Nhật và Nga- mở đầu cho cuộc bành trướng của Nhật bản trên đường quân phiệt. Nhưng nó khác ở điểm tương quan lực lượng hai bên, không như trận thư hùng Nga-Nhật với lực lượng chiến hạm tương xứng về khả năng kỹ thuật và trọng tải. Trận Điện Biên là trận đánh giữa một đạo quân tinh nhuệ, thiện chiến, đầy đủ các màu da đen-trắng-vàng có khả năng cơ động, yểm trợ cao bằng phương tiện cơ giới (Pháp đã tải ba chi đội Thiết giáp với 10 xe tăng M24 Chaffee và toàn bộ tiếp liệu-lương thực-vũ khí-đạn dược-chi viện lên Điện Biên bằng phi cơ Dakota để tăng cường cho cứ điểm này) và một lực lượng nông dân dùng sức người kéo pháo và thồ tiếp liệu bằng xe đạp, với  lòng yêu nưóc truyền thống vô biên, và ý chí quyết tâm đánh đuổi thực dân dành lại độc lập!!! Hào khí ngất trời như lời họ hò kéo pháo “Hò dzô ta này, kéo pháo ta vượt qua núi…Dốc núi cao cao nhưng lòng căm thù còn cao hơn núi ....”.

ĐBP đã được xếp ngang hàng với các trận đánh lừng danh khác như trận Stalingrad, Kursk hay đổ bộ Normandie dù quân số tham chiến ít hơn vì ảnh hưởng chính trị chấn động địa cầu của nó…Trong các học viện quân sự hàng đầu thế giới như WestPoint (Mỹ), học viện không quân Airforce Academy (Mỹ), học viện tham mưu Thủy quân lục chiến Mỹ (Marine Corps command & staff college), Sandhurst (Anh) và Saint Cyr-Coequidan (Pháp), trường tham mưu Pháp (l’école d’État Major) và các trường Pháo Binh, Nhảy Dù của Mỹ…, trận đánh được nghiên cứu, phân tích và dùng làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên sĩ quan..Nhiều quyển sách giá trị về trận đánh dứt điểm chủ nghĩa thực dân này tại Đông Dương đã được xuất bản..Trong đó, ta có thể đếm:
·        “DienBienPhu” hồi ký của tướng Dù Pháp Langlais (nxb: Presse Pocket, 1969)
·        “Hell in a Very Small Place: The siege of Dien Bien Phu” - Bernard B. Fall  (nxb: New York-Da Capo Press, 1966)
·         « La bataille de Diên Biên Phu » Jules Roy (Paris: René Julliard, 1963)
·        « Pourquoi Diên Biên Phu? » Pierre Rocolle (Paris: Flammarion, 1968)
·        « Dien Bien Phu: the epic battle American forgot” Simpson, Howard R.
·        « Nous étions à Dien Bien Phu », Jean Pouget  (Paris- nxb : Presses de la Cité, 1964),
·        « Pour une parcelle de gloire », tướng Dù Pháp Bigeard (nxb : Plon, 1975)
·        « Les 170 jours de Diên Biên Phú » và « 2ème classe à Diên Biên Phú »  Erwan Bergot nxb: Presse de la Cité.
·        « The Undetected Enemy: French and American Miscalculations at DienBienPhu,-1953John R. Nordell, Jr., nxb: Texas A&M University Press, 1995

Sang rạng sáng ngày thứ nhì của chiến dịch 14 tháng 3, cứ điểm Him Lam (Béatrice) trấn thủ bởi một tiểu đoàn thuộc chiến đoàn Lê Dương 13-đơn vị tinh nhuệ từng chiến đấu ở Bắc Phi chống Đức trong Thế Chiến thứ hai, đã thất thủ vỏn vẹn trong 8 giờ 30 phút giao chiến (từ 5 giờ 30 chiều hôm trước  tới 2 giờ sáng) với 4 sĩ quan chỉ huy tử trận - trong đó có 1 trung tá khi hầm trú trúng đạn pháo. Cuộc tấn công bắt đầu khi trời vạng tối- để các tiền sát viên Việt Nam có thể điều chỉnh pháo binh bắn trực xạ từ các ngọn đồi xung quanh vào thung lũng, và  khi màn đêm phủ liền ngay sau đó, có thể  ngăn cản phi pháo của Pháp phản pháo vào các vị trí đặt súng của Việt Nam.

Việc pháo binh Việt Minh trực xạ là điều hoàn toàn bất ngờ với quân Pháp khi họ cho rằng kéo pháo lên các ngọn đồi là việc bất khả thi, hoang tưởng và ngoài sức người!!! Nhưng hàng vạn dân công cùng bộ đội đã miệt mài ngày đêm cố kéo pháo lên các cao điểm xung quanh vì họ biết rằng chỉ có từ các cứ điểm cao, pháo binh Việt Minh mới có thể khống chế toàn bộ cứ điểm và phi đạo một cách hữu hiệu bù lại việc thiếu kinh nghiệm điều chỉnh pháo từ xa. Chỉ sau 2 ngày giáp trận, quân Pháp đã tiêu hao một nửa số đạn pháo dự trữ của căn cứ mà không khóa được các họng pháo đối phương, mất một pháo đội (6 khẩu 105 ly) bất khiển dụng.

Liên tiếp trong hai ngày sau đó, các cứ điểm Gabrielle trấn đóng bởi lính Bắc Phi Al-giê-ri và một phần Anne-Marie thất thủ dù Pháp cố phản kích với 2 tiểu đoàn Dù tăng viện gấp từ Hà Nội (tiểu đoàn 5 Dù (ngụy) Việt Nam-Bavoan và tiểu đoàn 6 Dù thuộc địa-BPC). Trong vòng 3 ngày giao chiến, quân Việt Minh, từ 100 cây số giao thông hào vây quanh đã làm chủ các cứ điểm phòng thủ mặt Bắc-đồi Độc Lập (Gabrielle) , Đông Bắc-đồi Him Lam (Béatrice), một phần Bản Keo Anne-Marie (Tây Bắc), tiến sát phi đạo và khống chế bãi đáp, cắt đứt cầu không vận tiếp tế cứ điểm Điện Biên Phủ. Một số lớn binh lính Pháp trong căn cứ đã đào ngũ sau đó, trốn xuống sông Nam-Youn vì mất tinh thần.

Về mặt tinh thần, đây là một cú sốc cho thực dân Pháp- vì theo chúng DBP là một cứ điểm bất khả xâm phạm như tên de CHEVIGNE, bộ trưởng Chiến tranh từng thốt l ên « C’est l’impregnable » sau khi viếng thăm  căn cứ này. Hầu hết các quan chức cao cấp như tướng Ely, Tổng tham mưu trưởng liên quân Pháp, tướng Fay tham mưu trưởng Không Quân Pháp, tướng Blanc tham mưu trưởng Lục Quân Pháp, tướng Mỹ O’Daniel, chỉ huy phái bộ quân sự Mỹ MAAG đều tới viếng thăm  Điện Biên Phủ, căn cứ không vận lý tưởng (base aéro-terrestre modèle).

Tên đại tá tư lệnh De Castries mất hoàn toàn khả năng chỉ huy vì khủng hoảng tinh thần trước sự khốc liệt của sức tiến công khiến trung tá Dù Langlais, chiến đoàn trưởng chiến đoàn 2 không vận (2ème Groupe Aéroporté)  phải đảm nhiệm việc chỉ huy và bố trí phòng thủ. Để giải thích việc tiếm quyền chỉ huy này, Langlais nói thẳng: “ Bất cứ quan lớn nào ở Hà Nội hay Sài gòn đều có thề bay lên đây và nhảy dù vào nếu họ không bằng lòng hay họ có nhận định gì khá hơn”. Tư lệnh chỉ huy Pháo Binh của căn cứ DBP, đại tá Piroth , viên chỉ huy Pháo binh giỏi nhất quân đội viễn chinh, tự sát vào đêm 14 rạng ngày 15 vì nhục nhã khi không thể “khóa miệng” được các khẩu đại pháo Việt Nam như hắn đã từng khoác lác- và hãi hùng vì viễn ảnh thất trận. (Việt Minh đã xử dụng hơn 200 họng pháo, súng không giật và cối để bắn hơn 350 ngàn quả đạn vào cứ điểm trong khi Pháp ước lượng địch thủ chỉ có thể triển khai tối đa từ 40 tới 60 họng pháo và cối với độ 25 ngàn quả). (Trung tướng Phạm văn Phú, tư lệnh quân đoàn Hai của quân đội Sài gòn sau này vào năm 75, chính ông đã chiến đấu trong tiểu đoàn 5 Dù BPVN với cấp bậc Trung Úy đại đội trưởng  dưói lệnh sĩ quan Pháp. Trận đánh ĐBP này và những tháng ông làm tù binh sau đó, đã để lại những dấu ấn không phai trong đời binh nghiệp tướng Phú.)

Sau đó, Việt Minh tiếp tục dần xiết vòng vây,  và đào giao thông hào tới gần phi đạo khiến Pháp phải phản kích vào ngày 26 tháng 3 bằng 3 tiểu đoàn Dù thiện chiến hầu giải tỏa áp lực phòng không trên đường băng của căn cứ. Đợt tiến công thứ nhì bắt đầu với đợt pháo kích 6 giờ 25 chiều 30 tháng 3 và xung phong vào 6 giờ 45, với 3 cứ điểm Eliane 1 et Dominique 1 và 6 thất thủ sau 15 phút kháng cự. Cứ điểm thứ tư, Dominique 2 mất 1 giờ sau đó. Vào ngày 2 tháng Tư, cứ điểm thứ 5-Huguette 7 thất thủ vào 2 giờ chiều.

Từ từ, gọng kìm bao vây siết lại dần, các trận đánh phản kích của Pháp dành lại các cứ điểm phòng thủ đã mất diễn ra dữ dội với thiệt hại nặng cho cả hai bên. Với tổn thất về nhân mạng quá lớn, cả hai phe đều giảm sức chiến đấu và chờ tăng viện- Pháp với lính Lê Dương Dù para-légionnaire được chở lên từ Hà Nội.

Đồi Huguette 6, quân Pháp và Việt Minh, mỗi bên giữ nửa ngọn đồi..trước khi Pháp tái chiếm lại toàn bộ ngọn đồi này vào ngày 5 tháng 4. Đến ngày 18 thì quân Pháp phải di tản, bỏ trống cứ điểm Huguette 6 vì không đủ sức tiếp tế trước sức ép vòng vây Việt Minh.

Đến ngày 20 tháng 4, sau hơn 1 tháng chiến đấu, quân Pháp chỉ còn ở cứ điểm chính 2400 tay súng trên 13000 khi bắt đầu tại khu vực trung tâm này. Vấn đề thất thủ chỉ là thời gian khi giao thông hào Việt Minh siết chặt chung quanh tuyến phòng thủ Pháp- Đạn phòng không của Việt Minh đã cắt đứt cầu không vận tiếp tế.

Rạng ngày 23 tháng 4, quân VM dứt điểm đồi Huguette 1 và bắt đầu đợt tiến công thứ 3 để tràn ngập Điện Biên Phủ kết thúc vào ngày 7 tháng 5.

Vào ngày cuối cùng, 7 tháng 5, tướng de Castries và Langlais phải ra lệnh hủy toàn bộ vũ khí, tài liệu, mật mã-khí tài  v.v để chuẩn bị ngưng bắn, bàn giao cứ điểm cho Việt Minh. Đại tá Langlais phải tự tay đốt chiếc mũ nồi đỏ Nhảy dù, biểu tượng của binh chủng thiên thần oai hùng để khỏi nhục nhã bị bắt bởi những người bộ đội Việt Nam mà 9 năm trước đó, sĩ quan Pháp khi họ trở lại Đông Dương thống trị đã xem thường  họ, những con người chỉ “xứng đáng làm bồi bếp và tài xế (chauffeur)..”- theo như lời cựu tướng Dù Bigeard đ ã  viết trong hồi ký của y.

Với ý nghĩa tinh thần và  lịch sử  trong 96 năm bị  trị - đưọc mở đầu bằng những phát súng "thần công" của Pháp nã vào thành Hà Nội- Hoàng Diệu tuẫn tiết –và nhiều lần nổi dậy  thất bại nhục nhã của quân dân Việt Nam-  Thì việc bắt sống toàn bộ hầm chỉ huy của tướng de Castries- và đại tá Piroth tự tử trước mức độ khốc liệt của trận đánh - đã  cho phép Điện-Biên-Phủ sánh với các chiến thắng oai hùng khác trong lịch sử dân tộc như khi Tôn sĩ Nghị phải tháo chạy, Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn trước sức tiến quân Tây Sơn dưới tài điều binh của vua Quang Trung Nguyễn Huệ hay khi quân Việt rượt Thoát Hoan về nước thời Nguyên, chém Liễu Thăng thời Minh. Đây là một chiến công mà bất cứ người Việt nào đều cảm thấy hãnh diện khi thấy hàng hàng lớp lớp quân thực dân Pháp, kẻ đã từng hống hách cuỡi đầu khinh thị tàn sát ngưòi Viêt trong 96 năm, bây giờ với cờ trắng phất phơ, thểu não, thất thần chui ra khỏi hầm dương cao tay đầu hàng!

Phần lớn bộ đội Việt Minh tham chiến ở Điện Biên không là đảng viên. Thậm chí có người chỉ theo Việt Minh vì đói sau trận đói khủng khiếp năm 45..Nhưng tất cả được động viên bằng một lòng yêu nước sâu sắc, vô biên, và sự căm thù cao độ thực dân Pháp, kẻ cướp nước đầy ải bóc lột khinh bỉ dân tộc, đã khiến họ ra đi tham gia chiến dịch với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết hy sinh”.

Họ chiến đấu và hy sinh vì tin tưởng vào tiền đồ sáng lạn của đất nước khi đánh đuổi xong thực dân Pháp. Chính vì phần lớn bộ đội không là đảng viên nên đảng Cộng Sản cố tình chiêu dụ những con người yêu nước chất phát này bằng cách dụ dỗ “kết nạp đảng với họ”. Rất nhiều chiến binh thuộc tầng lớp trung lưu đã bị thanh trừng sau đó trong các cuộc đấu tố cải cách ruộng đất và Nhân văn giai phẩm hay các vụ án xét lại hữu khuynh, thanh trừng trong hàng ngũ quân đội, cán bộ và đảng viên.

Cho đến nay, CSVN vẫn âm mưu dựa vào việc đánh đuổi thực dân Pháp, tiêu biểu là chiến thắng Điện Biên Phủ cùng việc thống nhất đất nước bằng vũ lực tháng Tư 1975 như những kỳ công xác định vai trò lãnh đạo và cầm quyền độc tài của đảng. Điều này là một sự đánh lận con đen lịch sử cho những mưu toan độc quyền chính trị đen tối của đảng. Tham gia vào công cuộc chống Pháp là toàn thể nhân dân Việt Nam và các đảng phái chính trị trong liên hiệp Việt Minh..Các đảng phái này (như Việt Nam Quốc Dân đảng..) dần dà bị tiêu diệt ngầm bởi cộng sản khi họ có mưu toan khuynh đảo nhằm nắm toàn quyền trong liên hiệp Việt Minh.

Chiến thắng Điện Biên không phải là chiến thắng riêng của đảng CSVN, mà là của toàn dân tộc, không phân biệt Thượng Kinh hay tôn giáo. Chỉ trừ có một thiểu số vong bản, vọng ngoại, đầy mặc cảm và sẵn sang làm tay sai nước ngoài mới phủ nhận sự vĩ đại, hào hùng của chiến thắng này. Tất cả những chiến công oai hùng chống ngoại xâm của dân tộc là di sản của toàn thể người dân Việt, không thể phủ nhận được bởi bất cứ phe phái, màu sắc chính trị nào. Khi phủ nhận chiến thắng Điện Biên vì cho là nó nhuốm màu đỏ cộng sản, vô hình chung, người ta đã phủ nhận sự hy sinh của tất cả những con người yêu nước tham gia kháng chiến chống Pháp từ khi Pháp bắt đầu đặt chân lên Việt Nam, nó bao gồm nghĩa quân các phong trào Cần Vương đến Quốc Dân đảng và tất cả các đảng phái khác. Cũng theo đó, việc phủ nhận chiến thắng này là việc công khai thừa nhận vai trò chính đáng của đảng CS trong sự nghiệp  chống  thực dân Pháp.. Điều mà người CS mong mỏi và dựa vào để biện minh cho thể chế độc tài hiện nay trên toàn đất nước!!!

Hiểu được điều này và thấy sự cao cả của những người lính hy sinh vì đất nước, vai trò gian dối, lợi dụng xương máu của đảng CS càng lộ rõ. Họ đã cướp đoạt chính nghĩa của cuộc chiến kháng Pháp cho mưu đồ riêng của đệ Tứ cộng sản Komintern. Và sau đó, họ phát động cuộc chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước với chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” xua đẩy hàng hàng lớp lớp thanh niên vào chỗ chết. Người bộ đội nhân dân đơn thuần, chất phát, trước đó là Việt Minh hay sau này là Việt Cộng, ra đi cầm súng với tấm lòng yêu nước chân chất nhưng tất cả đều bị bọn phù thủy chính trị cộng sản cướp đi rồi đẩy họ vào tử địa, đánh nhau với người lính “Ngụy” miền Nam cho chế độ độc tài chuyên chính vô sản và một thiểu số cầm quyền hưởng lợi.

Trong nước, người cộng sản chỉ đề cập tới cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vào năm 1930. Nhưng không đá động đến cuộc khởi nghĩa Yên bái xảy ra trước đó của anh hùng Nguyễn Thái Học cùng các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân đảng đã vị quốc vong thân khi bước lên đoạn đầu đài của thực dân Pháp sau khi thất bại -  chỉ  vì sự đố kỵ  hẹp hòi đảng phái chính trị -VNQDĐ là kẻ thù của cộng sản từ khi đảng CS thành lập. Đó là một điều nhục nhã lớn vì dù họ không cùng chính kiến, đường lối nhưng cũng nằm xuống cho Tổ quốc Việt Nam..Ngày nay tuy Trung quốc, nước cộng sản láng giềng mà CSVN xem như mẫu mực học hỏi, vẫn giữ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản nhưng họ vẫn xem trọng di sản lịch sử của quốc phụ Tôn Dật Tiên và cuộc cách mạng Tân Hợi đưa nước Trung hoa ra khỏi thời phong kiến thành lập chế độ dân quốc. Mộ của ông được chăm nom cẩn thận và các giai đoạn lịch sử đó đều được đưa vào giáo trình một cách sòng phẵng với lịch sử.

Người Việt Nam hôm nay, trong và ngoài nước, cần phải học hỏi cách hành xử dân chủ trưóc tiên bằng cách tôn trọng lịch sử. Không thể phủ nhận  xương máu và lòng yêu nưóc của đồng bào tiền nhân trong bất kỳ chiến tich nào. Chỉ có vậy, tinh thần dân chủ mới khởi sự bắt rễ khi người ta tôn trọng sự thật lịch sử, và dám can đảm hỏi ngược và làm lở loét tất cả những hào quang giả tạo do bên này hay bên kia tạo ra để đánh bóng cho phe mình. Khi dám nhìn thật lịch sử, hỏi ngược và vạch trần bất cứ dối trá nào trên quá khứ, người dân sẽ tiến tới đánh dấu hỏi trên hiện tại và sự khác biệt giữa những lời hứa hẹn của người cầm quyền và thực tế..rồi hội họp lại bàn bạc phương án giải quyết, đề nghị thay đổi người cầm quyền dối trá bằng những người khác, đảng phái khác được sự tín nhiệm của dân chúng hơn. Hay tự mình đứng ra lập hội, lập đảng để bàn việc nước cùng kế sách mới cho dân tộc, quốc gia, thách thức đảng cầm quyền đương nhiệm về việc trị nước-an dân-kinh bang-tế thế..!!!

 Đây là những gì đang xảy ra ở các nước Anh, Úc, Mỹ và Tây Ban Nha…nơi nhân dân đòi hỏi sự thật về lý do cuộc chiến tấn công I-rắc..Và phe Hữu ở Tây ban Nha đã mất quyền nắm chính phủ, nhường lại cho phe Tả, sau khi bị người dân bất tín nhiệm vì gửi quân tham chiến. Hay như tại Hàn quốc hiện nay, tổng thống bị quốc hội cách chức vì dính dáng vào tham nhũng.

Xin nghiêng mình kính cẩn mặc niệm tất cả những chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh, bỏ mình vì độc lập dân tộc trong trận chiến Điện Biên. Các vị  đã đi theo con đường tiền nhân những thời đại trước, xả thân vì độc lập, tự do và hạnh phúc dân tộc, cứu đất nước khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Những gì khốn nạn cho đất nước sau đó như cuộc chiến tương tàn anh em hay sự độc tài cộng sản là những gì xảy ra về sau, điều mà không tài nào các vị tưởng tượng được khi các vị lên đường chiến đấu và hy sinh cho đất nước- dân tộc, với tấm lòng trong sáng như trăng Rằm.

Trước các vị là hàng hàng lớp lớp anh hùng, anh thư  đất Việt, sau các vị là những người lính Hải Quân miền Nam- VNCH đã bỏ mình khi chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, và những người bộ đội hy sinh bảo vệ biên giới trên đất, trên biển,  trong những lần đụng độ với Trung Quốc vào năm 79 và sau đó.

Do đó, Tổ quốc và người dân Việt Nam sẽ mãi mãi ghi ân các vị cho dù triều đại hay chế độ chính trị  nào cũng sẽ đến rồi đi trong chập chùng miên viễn của lịch sử. ./.

Minh Triết NCD

No comments:

Post a Comment