Friday, September 26, 2014

Lại Chuyện Cái Quan Ðịnh Luận, Lịch Sử Phê Bình.


Lại Chuyện Cái Quan Ðịnh Luận, Lịch Sử Phê Bình.


Ðọc cái bài "Cái Quan Ðịnh Luận" của anh chàng Ðại Hưng, gửi đi xong rồi, mà động lòng trắc ẩn. Chàng này viết cứ như giảng bài luân lý giáo khoa "sử". Phán như sử gia thứ "rữ": khen, chê, bình phẩm, đủ thứ. Ðọc tức anh ách . Vì Chàng viết khen những cái tôi cho là "rởm", Chàng lại chê những cái "rởm" Tôi cho là hay.. Bực nhất là giả chê cụ Hồ, bậc thánh của dân tộc. Cha Ðại Hưng này không biết điều gì cả. Bộ không thấy trong nưóc các bô lão đang đòi trả Hiến Pháp Việt Nam, trả tên nước Việt Nam lại cho cụ Hồ đấy à! Ðầu óc các "bô lão" nó sáng thế đấy, nước Việt Nam không còn là của nhân dân Việt Nam nữa, mà là của cu Hồ cơ đấy! Mẹ cha nó! Vận động dân chủ kiểu này thì chết cha, chết mẹ dân trí! Có đuổi được Việt Cộng đi thì nền Dân Chủ Việt Nam cũng không thở được một ngày với những cái não trạng như vậy!

Vả lại còn quá "sớm" để chê người ta như thế..nhưng khen thì "sớm " bây giờ thì được, cú tự nhiên, cũng chẳng hại gì!!! Chàng này không thấy là trong nước và nhất là ngoài Bắc người ta chỉ có khen cu Hồ thấy chưa! Và ngoài này, người ta vẫn chỉ khen Diệm, và ca ngợi Thiệu là yêu nước đấy! Con bà nó! đúng là sự đời! Chả trách Ðại Hưng dằn lòng không được! Ðành bắt chước, đăng đàn giảng Sử "đấu" với Ðại Hưng một phát, xem ai "hoà nhi bất đồng, đồng nhi bất hoà" .

Tôi cũng có cái lối ra vẻ ta đây õng ẹo, đạo mạo của một số người "học giả" khi phải đối mặt với những thế lực chính trị, những nhân vật chính trị của phe phái nó rất là buồn cười và buồn nôn như thế đấy. Mình đừng khen chê, để lịch sử khen chê! Chưa đủ lắng đọng để khách quan nhận xét! Mẹ, nghe chỉ muốn đánh rắm! Thế mà nhiều người hít hà ra vẻ "hiền giả" mới bỏ mẹ thiên hạ.

Nói như thế có nghĩa là cái đám lý sự như Tôi vậy. Chẳng hiểu và chẳng biết con mẹ gì về sử và sử chứng cả. Sử là gì? Là bia miệng người đời. Có nghĩa là tom góp tất cả những ý kiến phê bình nhận xét của mọi người rồi sắp xếp Viết lại theo lề lối quy củ, có hệ thống, cân nhắc suy tìm chứng cớ, tất cả những chứng liệu khen chê của người đương thời, thì gọi là viết sử. Vậy lịch sử phê phán có nghĩa là mọi người phê phán.

Còn sử chứng, sử liệu là gì, và ở đâu? Người đời sau làm sao biết thằng Vua nào xấu, ông Vua nào tốt, nếu không xem xét cộng thêm những khen chê của người đương thời. Ta xem xét ca dao để biết thêm ý dân và sự kiện thời xưa cũng là vì thế. Hoặc đọc gia phả của nhiều nhà để tìm thêm chứng liệu liên quan, khen chê v.v về một triều đại, hay một nhân sự nào đó.

Nếu những ngưòi đương thời không ghi lại, rồi cho thêm những ý khen chê chủ quan của họ theo chứng cớ có được, thì làm sao người sau có được đầy đủ dữ liệu mà xem xét, bổ khuyết, cân bằng được?

Còn nói về tính khách quan hả? Ai dám nói là Tôi hoàn toàn khách quan? Khách quan là con mẹ gì? Thật là khách quan chỉ có nghĩa là cái nhìn của một kẻ thứ ba, kẻ đứng ngoài, nhưng mà vẫn là chủ quan . Sử quan, sử gia cũng nhận định theo những giá trị thời đại của họ mà thôi.

 Thế mới có những sự tranh luận điều chỉnh hàng thập niên một về một quyển sử, hay đoạn sử một cách "khách quan" đầy " tính chủ quan" theo người đương thời. Ở những nước có quyền tự do ngôn luận, và ý thức tự do ngôn luận cao như Mỹ, Pháp, Nhật, Anh, Úc, v.v họ đã, đang và sẽ tiếp tục đánh giá, xem xét lại "Sử" theo quan điểm giá trị , cách nhìn của người đương thời.

Nếu người đồng thời. đương cuộc, không phê bình với những bằng chứng còn nóng hổi, thì làm sao người đời sau "viết sử" chính xác được? Nhũng "sử gia" đời sau sẽ lấy ở đâu ra những bằng chứng? Lấy ở những sách vỏ, tài liệu tuyên truyền "chính sử" chăng? Hay lấy ở những "bằmg chứng" cách "hiện trường lịch sử" mấy trăm năm sau ở thời đại họ đang sống cho quân bình không bị ảnh hưởng thời cuộc?

Thế mới biết cái thái độ õng ẹo "sử gia" của những thằng không ưa Ðại Hưng như Tôi, chẳng qua là của một não bộ hèn kém, biết một nhưng chưa biết mười; sợ sệt không muốn ma sát lập luận hoặc không đủ bản lãnh để chà cọ chứng lý hiện tại.

Thà cứ như Trần Viết Ðại Hưng , (dù tôi ghét cái cứ khen Diệm cho có của giả, mà lại cứ chê cu Hồ!), "Cái quan định luận", đậy nắp hòm xong là ta vác dao, mổ xẻ xấu tốt ngay, cứ việc mổ xẻ mạnh bạo vào, càng nhiều càng tốt, có chứng cớ, lập luận đủ hoặc thiếu, chủ quan, khách quan, người nhà quan, đầy tớ quan v.v cứ thế mà mổ xẻ cho hết sức, hết khả năng, theo cái nhìn của mình, hết tâm mình. Thế hệ này và những thế hệ sau họ sẽ mổ thêm và xẻ ra nữa mà, lo gì. Chẳng ai trở thành chân lý đâu mà lo.

Ðây là một cách giúp thế hệ sau tránh khỏi những khổ cực trong việc truy tìm sử chứng, sử liệu, và ảnh hưởng, phản ứng của người đương cuộc về một nhân vật, một biến cố ngay trong thời đại của "lịch sử". Giúp cho thế hệ sau có những chứng liệu về ảnh hưỏng trực tiếp cụ thể của biến cố lịch sử.. Thế hệ sau, họ sẽ xét theo những gíá trị và quan niệm của họ, chúng ta chẳng thế xen vào được vì lúc đó sẽ chết tiệt hết rồi! Nhưng, những thế hệ sau chúng nó sẽ không thể nhổ vào mồ mả, linh vị chúng ta được. Vì ít ra chúng ta đã làm cái bổn phận, công việc "lịch sử" của mình, không để chúng đóan mò, cũng cho thế hệ sau biết ý kiến của mình về những sự việc nóng hổi mang tính thời đại của chúng ta, cái mà lũ hậu bối không thể "đẻ" ra được. Trừ khi nó vẫn còn là Viêt Cộng!

Chỉ mới có trên 30 năm từ ngày "cái quan già Hồ", mà định luận đã khó khăn khổ cực. Chỉ vì một lũ hèn, im lìm ngậm tiếng, đồng lõa với bưng bít, và tạo dựng hư cấu. Còn lại một lũ thì sợ bóng vía, õng ẹo "để lịch sử phê phán". Bọn họ cứ làm như lịch sử là một thằng cha vơ, chú váo nào ở ngoài đám con người này, hôm nay.

Câu chuyện chép sử thẳng thừng nóng hổi của Tầu cách đây mấy ngàn năm đã nói rõ điều này. Chuyện Thôi Trữ nưóc Tề giết vua Tề Trang Công! Sử quan chép liền tức thì "Thôi Trữ thí Vua". Bị Thôi Trữ chém. Ông em "hấp tấp" lên thay anh "vội vã" chép lại y chang như thế. Cũng bị chém. Nước láng giềng có thằng cha "nhiễu sự", cũng "xớn xác" chạy qua xin chức chép sử vì sợ Thôi Trữ chém hết những người "hăm hở" không còn ai ghi lại sự cố. Thôi Trữ hãi quá đành chịu những thằng cha "nóng nảy sự đời". Còn cái vụ Tướng Quốc Triệu Thuẫn, đi thả bộ ra ngoài thành thư giãn! trong khi ông Vua "cà chớn" bị giết ở trong vườn Ðào. Ông Sử Quan lại vội vã ghi lại trong sách: ngày.. tháng.. năm .. Triệu Thuẫn thí Vua tại vườn Ðào! Triệu Thuẫn tức quá cãi rằng: "Lúc Vua bị giết tôi có ở đó đâu! Tôi đi hát karaokê ở ngoại thành mà!". Ông Sử Quan bèn lý sự: " Ông là tướng quốc một nước, lại đi hát karaoke bên ngoài, lúc nước có loạn để Vua bị giết trong vườn Ðào, mà bảo không biết thì ông chủ mưu giết vua chứ còn ai!" Triệu Thuẫn uất quá than trời, nhưng mà cãi không được với cái ông Sử này, lại nhát tay không dám chém, sợ chém không xuể, bèn để đời sau "lịch sử sẽ xét soi". Mẹ! nghe mà "lạ lùng" cho cái tật "vội vã dựng đứng" theo quan điểm cá nhân khinh trọng của cha Sử Quan này! Thế mà đời sau "lịch sử" cứ khen cái cách vội vàng ghi chép nóng hổi, không đợi cho nó nguội lạnh này, mới "chết cha" những đứa cầm quyền chính, mà bất cẩn chứ.

Những ông thần giời này xem việc phê bình thẳng ngay tại chỗ là việc Nghĩa cơ đấy: "Kiến nghĩa bất vi, vô dũng dã!".. Họ có cái Dũng của kẻ "vi vội vàng, vi hấp tấp"..

Xét điểm này, trong nước, cứ nhìn cái thân xác già của Võ Nguyên Giáp ta, nay không còn nguyên giáp, cùng đám "các cựu lão thành" cứ ngậm câm những sự cố đã mục kích; còn ngoài này những cái xác Tây gốc Việt cứ ca bài Mỹ hay, Pháp giỏi Úc, Anh v.v mà ngậm câm về những đốn mạt của đám cầm quyền miền Nam đã từng vi phạm, và Mỹ đã và đang vi phạm.v.v thì Viêt Nam không bằng cái "rắm"của Tầu. Chúng nó chỉ muốn phá huyền thoại của thằng khác để thay lại bằng huyền thoại của chúng nó! Chẳng có thằng nào, quốc gia hay việt cộng là hiểu biết, yêu quí, và muốn phát huy sự thật cả! Nhân Dân Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 rồi mà vẫn cứ bị hai thằng giặc cũ nó thay nhau bịp...

Dân Trí quả thật cần được khai gấp rút cả trong lẫn ngoài..

Ai tức tối tự ái Việt Kiều, tự ái dân tộc, xin cứ trình bày trong bài viết của qúi vị. Tôi xin đi ngủ!

Nguyên Khả Phạm Thanh Chương.
Gợi ý từ bài viết "ngoan cố vượt mặt lịch sử" "Cái Quan Ðịnh Luận" của Ðại Hưng
14 tháng 9 Tân Tỵ, Trăng sắp tròn. 30-10-2001

No comments:

Post a Comment